Rất nhiều bậc phụ huynh vẫn luôn trăn trở, liệu rằng con mình chỉ có năng khiếu hay thực sự có tài năng? Kính mời quý phụ huynh cùng TDA tìm hiểu cặn kẽ các khái niệm này và từng bước hóa giải nỗi trăn trở đó để tìm ra những định hướng phù hợp cho con đường phát triển của trẻ ngay từ bây giờ.
Năng khiếu
Trong vài thập kỷ trước, năng khiếu ở trẻ em vẫn thường được đo bằng các bài kiểm tra trí thông minh vì đây là phẩm chất được định nghĩa theo các thuật ngữ hẹp liên quan đến trí tuệ. Nhưng ngày nay, chúng ta biết rằng năng khiếu là một phẩm chất hoặc thuộc tính không chỉ giới hạn ở khả năng trí tuệ và một đứa trẻ có thể có năng khiếu ngay cả khi học hành không giỏi.
Năng khiếu là dấu hiệu phát triển sớm ở trẻ em về một tài năng nào đó khi trẻ chưa được tiếp xúc một cách có hệ thống trong lĩnh vực hoạt động tương ứng. Năng khiếu bộc lộ ở nhiều khía cạnh như: tốc độ vượt trội trong việc hoàn thành một nhiệm vụ so với bạn đồng trang lứa; thành tích xuất sắc trong một lĩnh vực nhất định; thiên hướng hoạt động mãnh liệt hoặc sự sáng tạo trong hoạt động ở một lĩnh vực nào đó…
Tài năng
Tài năng là những thiên hướng vượt trội mà trẻ có thể biểu diễn hoặc chứng minh được. Chẳng hạn, một đứa trẻ tài năng có thể chơi một loại nhạc cụ nào đó trước mặt người khác một cách thuần thục, thể hiện kỹ năng của mình trong thể thao một cách nhuần nhuyễn, hát một ca khúc truyền cảm hứng và đúng nhạc lý,… Khi một đứa trẻ có các kỹ năng trí tuệ, xã hội, giao tiếp, sáng tạo hoặc thể chất trên trung bình có thể nhìn thấy hoặc thể hiện thì đó cũng được gọi là tài năng. Vì vậy, tài năng là một mức độ thành tích vượt xa những đứa trẻ cùng tuổi trong các lĩnh vực khác nhau cho dù chúng là nghệ thuật, ngôn ngữ, thể thao, thể chất hoặc thậm chí xã hội.
Sự khác biệt giữa năng khiếu và tài năng là gì?
- Có một sự khác biệt tinh tế giữa năng khiếu và tài năng, vì năng khiếu nói về khả năng tiềm tàng nổi bật trong quá khứ, trong khi tài năng nói về khả năng xuất sắc hiện tại có thể được thể hiện ra bên ngoài.
- Rõ ràng năng khiếu là giai đoạn sớm phát triển ở trẻ hơn tài năng, và có một hành trình từ năng khiếu đến tài năng, hành trình này cần được nuôi dưỡng và phát huy.
- Năng khiếu chỉ là dấu hiệu ban đầu của tài năng chứ không phải là tài năng. Một đứa trẻ bộc lộ năng khiếu ở một hoạt động nào đó không hẳn sẽ sở hữu tài năng trong lĩnh vực ấy và ngược lại. Theo các nhà tâm lý học thì cấu trúc của năng khiếu chỉ có những thành phần cơ bản giống với cấu trúc của tài năng nhưng chúng chưa ổn định, dễ thay đổi. Trong khi đó, cấu trúc của tài năng bao gồm các thành phần tâm lý ở mức độ chín muồi, được khái quát ở mức độ cao và mang tính ổn định, bền vững hơn.
Vấn đề phát hiện và bồi dưỡng trẻ em có năng khiếu trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau từ lâu đã trở thành một trong những vấn đề quốc sách của nhiều quốc gia trên thế giới. Ngày nay, các nhà tâm lý học cho rằng, năng lực con người có lẽ còn cao hơn nhiều những gì khoa học đã phát hiện. Càng ngày càng có nhiều những câu chuyện về các thần đồng – trẻ em có năng khiếu ở một lĩnh vực hoạt động nào đó. Tiến sĩ Howard Gardner của trường Đại học Harvard Howard đã chỉ ra rằng, con người có 8 loại hình trí thông minh đa dạng khác nhau: Thông minh Nội tâm, Thông minh Giao tiếp, Thông minh Ngôn ngữ, Thông minh Logic – Toán học, Thông minh Hình ảnh, Thông minh âm nhạc, Thông minh Cơ thể, Thông minh Thiên nhiên. Do đó, tài năng của con người càng ngày càng được mở rộng về phạm vi.
Con đường từ năng khiếu trở thành tài năng là quá trình phát triển có lúc nhanh, lúc chậm, có khi liên tục, có khi đứt đoạn. Thậm chí, có thể năng khiếu không trở thành tài năng mà lại mai một đi. Vì vậy vấn đề phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu là vô cùng quan trọng. Các bậc cha mẹ có thể nghi ngại con mình chỉ đang dừng lại ở mức độ năng khiếu, nhưng nếu có những phương thức bồi dưỡng đúng đắn thì năng khiếu hoàn toàn có thể trở thành tài năng.
Tại TDA, chúng tôi quan niệm rằng trẻ em có thể xuất sắc hoặc có khả năng vượt trội trong vô vàn các kỹ năng khác nhau từ học thuật đến kỹ năng giao tiếp hay tư duy sáng tạo. Mỗi tài năng đều có những nhu cầu giáo dục cần được đáp ứng theo các cách khác nhau và sứ mệnh của chúng tôi là xác định cho các con một hệ sinh thái đúng đắn, chọn ra những người dẫn dắt phù hợp và đưa ra được lộ trình phát triển bền vững để các con có thể tỏa sáng nhất trong bất kỳ lĩnh vực nào mà con có năng khiếu.