Nghệ thuật là một lĩnh vực đặc biệt, có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của con người và giúp chúng ta hình thành các tư duy thẩm mỹ riêng biệt. Đối với trẻ em, việc tiếp cận nghệ thuật thông qua kết hợp với học tập và đời sống từ sớm có thể giúp trẻ định hình năng lực cũng như làm phong phú thêm thế giới nội tâm của trẻ.
Cùng TDA điểm qua 10 lợi ích mà nghệ thuật có thể mang lại cho trẻ dưới đây:
1. Thúc đẩy khả năng sáng tạo
Nghệ thuật cho phép trẻ thể hiện được cá tính và những suy nghĩ vượt xa khỏi những khuôn khổ cố hữu và nhàm chán. Nếu như con có thể thực hành suy nghĩ một cách tự do và sáng tạo theo nhiều cách khác nhau, trẻ sẽ có thể tiếp cận liên tục với những điều mới mẻ.
2. Tăng cường sự tự tin
Việc nắm vững một lĩnh vực chắc chắn sẽ xây dựng sự tự tin ở trẻ, nhất là những lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật. Cùng bạn học ca hát trên sân khấu hoặc diễn những vở kịch ngắn sẽ mang đến cho trẻ một cơ hội để bước ra ngoài vùng an toàn của mình. Khi có thể cải thiện và nhìn thấy sự tiến bộ của chính mình, trẻ em sẽ được tiếp thêm sự tự tin để thoải mái phát triển năng lực.
3. Cải thiện hiệu suất học tập
Nghệ thuật không chỉ phát triển sự sáng tạo của trẻ – mà còn giúp cải thiện hiệu suất và cảm hứng học tập rất đáng kể. Từ việc luôn cảm thấy tự tin là bản thân có năng lực, trẻ sẽ không ngại thử sức với mọi lĩnh vực, kể cả những trở ngại ở các môn khác nhau trong quá trình học tập. Việc sẵn sàng thử sức với mọi thứ và qua đó có cơ hội trau dồi nhiều lần, trẻ sẽ đạt được những tiến bộ nhất định trong học tập.
4. Hình thành kỹ năng ra quyết định
Nghệ thuật tăng cường kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng ra quyết định. “Làm thế nào để thể hiện cảm giác này qua điệu nhảy của mình?”, “Mình nên chơi nhân vật này như thế nào?” Kỹ năng đưa ra lựa chọn và quyết định là những kỹ năng quý giá đối với một đứa trẻ khi trưởng thành sau này.
5. Nâng cao khả năng tập trung
Khả năng tập trung là rất quan trọng cho việc học tập cũng như công việc sau này. Khi trẻ kiên trì thông qua việc vẽ, ca hát hoặc học đi học lại câu thoại trong vở kịch thì sự tập trung là điều bắt buộc, vì thế qua đó sự tập trung sẽ ngày càng tăng cao.
6. Nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và thấu cảm
Nghệ thuật biểu diễn giúp học sinh trang bị những kỹ năng quan trọng để thấu hiểu các quan điểm khác nhau, giúp các em biết cách đồng cảm với người khác. Hóa thân vào nhân vật, tái hiện một cảm xúc qua ngôn ngữ cơ thể hoặc ca từ, mỗi môn nghệ thuật biểu diễn lại có một cách riêng để giúp chúng ta học cách thấu hiểu và đồng cảm.
7. Rèn luyện đức tính kiên trì
Nghệ thuật có thể là một thử thách cho lòng kiên trì vì không thể chỉ cần học một lần là có thể lĩnh hội được. Nếu có thể theo đuổi một bộ môn nhất định, chẳng hạn như piano hay chụp ảnh, trẻ sẽ học được cách tập luyện chăm chỉ trong thời gian dài và điều này sẽ tạo nên thói quen tốt về tính kiên nhẫn ở trẻ.
8. Phát triển kỹ năng vận động
Những việc đơn giản như cầm một cây cọ và viết nguệch ngoạc bằng bút chì là một yếu tố quan trọng để phát triển kỹ năng vận động của trẻ. Từ khoảng bốn tuổi, trẻ em có thể vẽ một hình vuông và bắt đầu cắt các đường thẳng bằng kéo.
9. Mở rộng cơ hội học tập thông qua việc học nhóm
Nhiều môn nghệ thuật như âm nhạc, hợp xướng, kịch,… yêu cầu trẻ em phải cùng nhau lập nhóm và làm việc. Chúng phải chia sẻ trách nhiệm và thỏa hiệp để đạt được mục tiêu chung của nhóm. Đây là lúc trẻ em biết rằng sự đóng góp của chúng là không thể thiếu cho sự thành công của nhóm – ngay cả khi chúng không có vai trò là nhân vật chính.
10. Hình thành tinh thần trách nhiệm
Cũng giống như cộng tác, trẻ em trong nghệ thuật biết rằng chúng phải chịu trách nhiệm về những đóng góp của chúng cho nhóm. Sai lầm là một phần của cuộc sống và việc học cách chấp nhận, sửa chữa chúng sẽ giúp trẻ em hoàn thiện tốt hơn trên con đường chúng lớn lên.